Bạn có biết?


Nghèo thì ăn khoai .........?

Ăn khoai thì mất ngủ .... Mất ngủ thì đông con .... Đông con lại nghèo .... NGhèo lại ăn khoai .....


Nơi có biệt danh “nghèo nhất nước”…

Ngồi uống nước tại trung tâm huyện lỵ Quế Sơn, Quảng Nam, anh bạn đi cùng chúng tôi nhắc: “Thế đã vào xã nghèo nhất nước chưa?! Không xa lắm đâu! Chỉ cách đây chừng 4km thôi!”. Chúng tôi giật mình, bởi xã Quế Minh chỉ cách trung tâm huyện lỵ 4km, cách quốc lộ 1A chưa đến 17km mà được “vinh dự” là xã nghèo nhất nước… Qua bao nhiêu năm, sau cái thời được báo chí cho cái danh là xã nghèo nhất, bây giờ vẫn vậy, đời sống người dân so với sự phát triển của đất nước, thì nghèo vẫn hoàn nghèo.


Bà Trần Thị Hồng (68 tuổi) cứ thui thủi một mình trong ngôi nhà vắng lạnh. Ảnh: BHC

Sấp ngửa mà vẫn đói…
Chúng tôi quyết định vào nơi được mệnh danh xã nghèo nhất nước ấy. Con đường đất đỏ của vùng bán sơn địa sau cơn mưa tầm tã ban trưa làm đất nhão nhoẹt, hai chiếc xe máy của chúng tôi phải vật lộn với từng mét đường. Hiện tại đoạn đường liên xã đã hoàn thành được vài đoạn, nhưng chỉ được mươi mét là lại thấy đường đất dài cả cây số. Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Nguyễn Phước Phẩm, Chủ tịch xã Quế Minh. Vừa đi, anh vừa giới thiệu: “Trước đây thu nhập người dân được 150.000đ/năm/người, bây giờ đã “cải thiện” đáng kể, ở mức… 3.400.000đ/người/năm. Đó là nhờ sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, cùng nhiều ban ngành đoàn thể mới được như vậy!”. Chúng tôi không thể nào hình dung nổi với số thu nhập ít ỏi chừng ấy, mỗi người dân nơi đây sẽ sống bằng gì. Anh Phẩm dẫn chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Quyến, hay nhà ông Nguyễn Phước Minh…, những “điển hình” về sự nghèo nhất xã của xã nghèo nhất nước này. Nhà bà Quyến vắng lạnh. Tài sản đáng giá nhất có lẽ là hai cái chum đá, kê trên đó là cái khuôn làm nón đã cũ, mòn vẹt, cộng với hai chiếc nồi và mấy chiếc bát sứt miệng. Chị Cô Thị Phước, con gái bà Quyến, ngần ngại mời chúng tôi ngồi vào chiếc ghế duy nhất trong nhà thường dành cho đứa con trai ngồi học bài, lúng túng cầm chiếc bát rót nước mời chúng tôi. Căn nhà năm xưa là nhà lá, bây giờ đã là nhà tôn, xây gạch mộc nhưng không có cửa. “Mà có cửa để làm gì bởi nhà có vật gì đáng giá đâu. Tài sản chỉ có mỗi con bò quý hơn mạng sống!” – chị Phước chia sẻ. Bà Quyến đã gần sáu mươi, vẫn thường ngày cắt cỏ chăn bò, ngày nào cũng quần quật từ sáng sớm tinh mơ đã ra đồng, trưa, tối về lại ôm lấy khung chằm nón, không dư dả một giây thời gian nào mà sao cứ nghèo mãi, nghèo triền miên!…
Chúng tôi đến nhà chị Võ Thị Thanh, ngôi nhà nhỏ vừa được dựng lên nhờ sự giúp đỡ của hội phụ nữ xã và bà con láng giềng nhưng nhà không ra nhà, cửa cũng không, bếp chẳng ra bếp. Hai đứa con chị là Hồ Tấn Sơn và đứa em Hồ Tấn Hải chẳng may mồ côi cha, trong khi chị Thanh lại bị bệnh tim bẩm sinh. Ba mẹ con sống nhờ vào một sào ruộng, từ khi chồng mất, cứ vào mùa gặt là phải nhờ anh em bà con xung quanh đi gặt dùm… Ngang qua nhà bà Trần Thị Hồng, 68 tuổi, ngôi nhà trống huếch trống hoác, ngày ngày bà thui thủi một mình. Bà Hồng có đứa con gái, vì nghèo quá đã bỏ vào Đồng Nai làm công nhân, làm lụng chắt bóp mỗi tháng gửi về cho mẹ được 250.000đ. Những lúc khỏe mạnh, bà Hồng chỉ có nghề chằm nón được 6.000đ/ngày, sống lay lắt, trong khi thân già bệnh tật liên miên…
Sao vẫn còn khốn khó?!
Chúng tôi đã đi rất nhiều nhà, thấy ở đây ai cũng siêng năng quần quật, ai cũng lam lũ tảo tần mà sao nghèo hoài, nghèo mãi như thế. Cho dù thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 3,5triệu đồng/năm đi nữa, tức đã tăng hơn 16 lần so với trước kia như cách tính của anh Phẩm, chúng tôi vẫn thấy cuộc sống người dân vẫn quá khổ. Anh Phẩm thở dài: “Cả xã 98% dân số đều trồng lúa cả, không đói đã là may mắn rồi! Biết lấy gì để làm giàu đây?!”. Những đồng lúa ở đây chủ yếu là ruộng bậc thang, dưới thì ứ nước, trên thì đất cằn khô.
Đi qua những con đường nhầy nhụa đất bùn sau cơn mưa, nhà ở cách nhau cả mấy chục mét, anh Phẩm nói, ở đây có khoảng 300 hộ nghèo. Một xã có tới 300 hộ nghèo, vậy có bao nhiêu nhân khẩu nghèo trong số đó. Những đứa trẻ được sinh ra nơi này, các em sẽ ra sao khi gia đình không đủ ăn đủ mặc, ở trong ngôi nhà không giống nhà, ăn những thức ăn không có chất, và con đuờng đến trường liệu dài được bao lâu khi cứ phải chạy ăn từng bữa?! Anh Phẩm trầm ngâm.
Vì cái nghèo đeo đẳng, hiện nay thanh niên trai tráng trong xã hầu hết đã bỏ đi kiếm ăn ở phương xa. Những ngôi nhà nơi đây được lợp bằng những viên ngói cũ, không biết gió mưa sẽ cuốn đi khi nào. Có lẽ rồi đây cũng sẽ có thêm tiền hỗ trợ cho xã, hay sẽ tạo dựng được những nhà máy, những công trường để người dân nơi đây có công ăn việc làm đủ sống. Họ sẽ khỏi phải đi tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xác xơ hoang vắng, nơi mà cây mía mà cứ tưởng cây cỏ voi, thân chỉ bé bằng ngón tay cái, đong đưa lay lắt như thân phận con người… Đó là ước nguyện đang khắc khoải với mỗi con người nơi đây.
Bùi Hữu Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét